Tin tức & Sự kiện

[QTKTQT] Giảng viên với nghiên cứu khoa học – Tăng cường kỹ năng, phát triển tư duy, hội nhập quốc tế

Sáng ngày 08/7/2025, tại phòng B203 – Cơ sở 1, Trường Đại học Lạc Hồng, Khoa Quản trị – Kinh tế Quốc tế đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học với chủ đề:
“Giảng viên với nghiên cứu khoa học – Tăng cường kỹ năng, phát triển tư duy, hội nhập quốc tế”.

Đây là hoạt động chuyên môn trọng điểm của Khoa trong năm học 2024 – 2025, nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu trong đội ngũ giảng viên, đồng thời truyền cảm hứng và lan tỏa tinh thần học thuật đến các nghiên cứu sinh, sinh viên đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học.

Phát biểu khai mạc, TS. Lâm Thành Hiển – Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng đánh giá cao nỗ lực của Khoa trong việc tổ chức hội thảo thiết thực và chuyên sâu.
Thầy nhấn mạnh:

“Khoa Quản trị – Kinh tế Quốc tế là một trong những khoa đầu tiên được thành lập tại Trường. Trong suốt chặng đường phát triển, nghiên cứu khoa học luôn được xem là nền tảng quan trọng. Không chỉ có giảng viên nghiên cứu, mà sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư đều cần nghiên cứu – vì đó là con đường nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập.”

Đại diện đơn vị tổ chức, TS. Nguyễn Văn Tân – Trưởng Khoa Quản trị – Kinh tế Quốc tế bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến Ban Giám hiệu đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để Khoa tổ chức các chương trình chuyên môn ý nghĩa.
Thầy chia sẻ:

“Hội thảo lần này không chỉ giúp giảng viên trao đổi học thuật, mà còn góp phần định hướng và truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh – những người đang từng bước xây dựng con đường nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, hiệu quả và hội nhập.”

Chương trình hội thảo ghi nhận nhiều chia sẻ học thuật giá trị từ các diễn giả uy tín trong và ngoài trường:

  • GS.TS. Võ Xuân Vinh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, với tham luận “Những hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực kinh tế và quản trị” đã đúc kết kinh nghiệm nghiên cứu quốc tế, mở ra nhiều định hướng mới cho giảng viên, nghiên cứu sinh.
  • NCS. Lê Thanh Hà – Trường Đại học Tây Nguyên, trình bày hai nội dung quan trọng:
    • “Cách thức đánh giá tổng quan và xây dựng mô hình nghiên cứu” – giúp người học hiểu rõ quy trình lựa chọn biến, xác lập mô hình logic.
    • “Kỹ thuật xử lý số liệu cho mô hình SEM” – cung cấp công cụ xử lý mối quan hệ giữa các biến tiềm ẩn, nâng cao tính chính xác của nghiên cứu.
  • TS. Dương Thị Phương Hạnh – Giảng viên ngành Marketing, với chủ đề “Kỹ thuật xử lý số liệu cho mô hình hồi quy tuyến tính bội kết hợp EFA”, chia sẻ cách làm sạch số liệu, xác định tham số hợp lý trên phần mềm SPSS, từ đó nâng cao độ tin cậy cho kết quả nghiên cứu.
  • PGS.TS. Nguyễn Thanh Lâm – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, chia sẻ chủ đề “Kinh nghiệm đề xuất hàm ý quản trị từ kết quả nghiên cứu”, nhấn mạnh việc chuyển hóa kết luận thành các gợi ý thực tiễn, giúp nhà quản lý ra quyết định hiệu quả.
  • TS. Nguyễn Văn Tân – Trưởng khoa QT-KTQT, với bài tham luận “Kỹ thuật xử lý bảng câu hỏi khảo sát số liệu”, đã hướng dẫn đầy đủ các bước từ thiết kế bảng hỏi, mã hóa, làm sạch dữ liệu đến phân tích – diễn giải nhằm chuyển hóa dữ liệu thô thành thông tin có giá trị phục vụ nghiên cứu và ra quyết định.

Trong phần thảo luận cuối chương trình, nhiều câu hỏi thực tế đã được sinh viên và giảng viên đặt ra, thể hiện rõ tinh thần học hỏi và khát khao tiếp cận nghiên cứu chuyên sâu của người tham dự. Tiêu biểu là câu hỏi từ sinh viên Nguyễn Thị Kiều Anh – lớp 22NT111, xoay quanh vấn đề “Làm thế nào để có thể liên hệ đến các chuyên gia, doanh nghiệp nhằm thực hiện khảo sát cho đề tài nghiên cứu?”

Giải đáp thắc mắc, TS. Nguyễn Văn Tân chia sẻ:

“Điều đầu tiên em cần là một bảng khảo sát chỉn chu, rõ ràng, thể hiện được chiều sâu chuyên môn. Sau đó, xác định đối tượng khảo sát cụ thể – là chuyên gia hay doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nào. Khoa hiện có đội ngũ giảng viên từ PGS, TS đến ThS, NCS, cùng mạng lưới doanh nghiệp liên kết sẵn sàng hỗ trợ. Em có thể chủ động liên hệ thầy cô phụ trách ngành hoặc đến Văn phòng Khoa để được kết nối và hướng dẫn cụ thể.”

Câu trả lời đã mở ra một hướng đi thực tế, giúp sinh viên hiểu rằng: Nghiên cứu khoa học là hành trình có thể bắt đầu từ những bước nhỏ, nhưng cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự đồng hành đúng lúc từ các thầy cô.

Hội thảo khép lại thành công, không chỉ cung cấp các kiến thức, kỹ thuật nghiên cứu chuyên sâu mà còn truyền đi thông điệp: “Nghiên cứu khoa học không hề xa vời – nếu chúng ta biết cách bắt đầu từ những điều căn bản, với tinh thần học hỏi nghiêm túc và được dẫn dắt đúng hướng.”

Khoa Quản trị – Kinh tế Quốc tế sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động học thuật – nghiên cứu thường niên, góp phần xây dựng một môi trường giáo dục hiện đại, khai phóng và hội nhập tại Trường Đại học Lạc Hồng.

Khoa Quản Trị KTQT

nghiên cứu, khoa học, kỹ năng, tư duy, hội nhập, quốc tế, quản trị, tuyển sinh


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        22,593,958       3/562