Phòng & điều trị bệnh

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường  »  Phòng & điều trị bệnh


Trời rét, cảnh giác với cơn hen cấp ở bệnh nhân hen phế quản

Do nhạy cảm với môi trường, thời tiết, nên khi giao mùa, trời chuyển lạnh, bệnh nhân hen phế quản sẽ rất dễ đột ngột lên cơn hen cấp, rất nguy hiểm nếu không xử trí kịp thời. Do đó trong thời điểm này người bệnh cần lưu ý kiểm soát và điều trị dự phòng tốt để bảo vệ sức khỏe của mình.

1. Bệnh hen phế quản

NỘI DUNG:

Hen phế quản là tình trạng viêm đường hô hấp mạn tính. Bệnh gây sưng phù, tăng tiết nhầy, phù nề niêm mạc đường thở khiến người bệnh khó thở, khò khè, nặng ngực.

2. Nguyên nhân gây hen phế quản

Nguyên nhân gây hen phế quản có thể chia thành 3 nhóm:

  • Do cơ địa của người bệnh: Bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân mắc những bệnh dị ứng. Hoặc trong gia đình, khi bố hoặc mẹ bị hen phế quản thì khoảng 20-30% con có thể mắc bệnh. Nếu cả bố và mẹ đều bị bệnh thì có khoảng 50% con có thể mắc hen phế quản.
  • Do môi trường: Các yếu tố môi trường ảnh hưởng trực tiếp tới bệnh lý hen phế quản bao gồm: khói, bụi, phấn hoa, lông chó mèo, hóa chất, mùi nặng…
  • Do nghề nghiệp: Một số người làm nghề dệt may, làm thảm, hóa chất… dễ bị mắc hen phế quản.

3. Triệu chứng điển hình

Người bị hen phế quản thường có biểu hiểu hiện: Ho, khó thở, nặng ngực tái đi tái lại nhiều lần, hay gặp về đêm khuya, nửa đêm về sáng.

Do phế quản tăng tiết dịch nhầy và co thắt các cơ phế quản nên rất khó thở, đặc biệt khó thở ra. Khó thở tạo thành tiếng rít như tiếng cò cử.

4. Bệnh hen phế quản có nguy hiểm không?

Bệnh hen rất nguy hiểm, nhưng nhiều bệnh nhân vẫn chủ quan. Trong cơn hen cấp nếu không xử trí kịp thời có thể xảy ra những biến chứng như: suy hô hấp cấp dẫn đến tử vong hoặc gây tràn khí phế nang do ho, ép ngực hoặc do gắng sức để thở. Ngoài ra nếu suy hô hấp kéo dài có thể dẫn đến thiếu ôxy não.

Đối với bệnh nhân hen cấp tính nặng hoặc hen ác tính, tình trạng suy hô hấp càng trầm trọng, nguy cơ tử vong càng cao.

Đối với phụ nữ mang thai, nhiều cơ chế sinh lý thay đổi có thể làm nặng thêm hay cải thiện tình trạng hen. Một số trường hợp bệnh hen nặng lên, đặc biệt là ở các bệnh nhân hen trước đó không được điều trị tốt bệnh hen hay có các cơn hen nặng. 

 Nếu như không được kiểm soát tốt, bệnh hen sẽ tác động xấu đến sức khỏe cả mẹ lẫn con:

  • Các nguy cơ ở mẹ như tiền sản giật, xuất huyết âm đạo bất thường hay làm tăng tình trạng nôn nghén. 
  • Các nguy cơ đối với thai nhi gồm chậm phát triển bào thai, sinh non, sinh nhẹ cân hoặc tăng tử vong chu sinh...

Về diễn biến lâu dài, hen phế quản có thể gây ra giãn phế nang, khí phế thũng, chuyển sang tâm phế mạn (từ đường hô hấp dẫn đến suy tim phải). Vì vậy ngay khi có biểu hiện cơn hen cấp cần phải xử trí nhanh chóng và đúng cách.

Trời lạnh, cảnh giác với cơn hen cấp ở bệnh nhân hen phế quản  - Ảnh 4.

Người bệnh hen nên tránh tiếp xúc với những chất dễ gây dị ứng.

5. Dấu hiệu cơn hen phế quản cấp

Người bệnh hen có thể đột ngột khởi phát cơn hen cấp khi:

  • Thời tiết thay đổi; 
  • Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm; 
  • Gắng sức; 
  • Tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng như: phấn hoa, da lông súc vật, hóa chất, nấm mốc...

Một số thực phẩm, thuốc, hóa chất... cũng đều có khả năng khởi phát cơn hen ở người có cơ địa nhạy cảm và nhiều trường hợp biểu hiện rất nặng nề.

5.1 Các dấu hiệu khởi phát cơn hen cấp

- Người bệnh có biểu hiện: mệt mỏi, ngứa họng, ngứa cổ, nghẹt mũi hay chảy mũi, ho nhiều, khò khè, thở nhanh hơn bình thường, khó thở khi thở ra tăng dần, nặng ngực, lo lắng hoảng hốt, thức giấc vào ban đêm…

- Đối với trẻ nhỏ có biểu hiện trẻ mệt hơn bình thường (biếng chơi, biếng chạy nhảy)...

- Đặc trưng nhất là tiếng cò cử hay tiếng thở khò khè nặng nhọc, ngực như có cảm giác bó chặt, chèn ép và thường phải ngồi dậy, bám vào thành giường để thở…

Cảnh giác với bệnh hen phế quản trong mùa lạnh  - Ảnh 2.

Khi lên cơn hen cấp người bệnh thường rất khó thở, nặng ngực...

5.2 Cách xử trí

Ngay khi xuất hiện các dấu hiệu của cơn hen, việc cần làm đầu tiên là:

  • Tránh xa các yếu tố có thể kích phát cơn hen như: phấn hoa, lông thú vật, mùi khói thuốc lá, hóa chất...
  • Giữ ấm cơ thể nếu như bị nhiễm lạnh.
  • Sau đó sử dụng thuốc cắt cơn hen tùy theo mức độ cơn hen.

- Nếu cơn hen phế quản nhẹ hoặc vừa (các triệu chứng chỉ có khi hoạt động, khi gắng sức): Dùng ngay thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh (phổ biến nhất là Salbutamol dạng hít, xịt) theo đúng chỉ dẫn. Sau đó nghỉ ở nhà một giờ nếu đỡ khó thở.

- Nếu nặng hơn, có biểu hiện ho, khò khè, bệnh nhân tự xịt vào họng của mình, cứ 20 phút xịt từ 2 - 4 nhát. Trong 1 giờ đầu tiên, người bệnh có thể sử dụng 3 lần thuốc xịt cắt cơn, mỗi lần cách nhau 20 phút.

- Nếu tình trạng khó thở không được cải thiện, thở vẫn nhanh và khó, phải cố gắng để thở; Có biểu hiện co kéo cơ liên sườn và hõm ức khi người bệnh thở; Môi, đầu chi tím; Cánh mũi phập phồng khi người bệnh thở; Khó nói, khó đi lại… thì cần gọi ngay cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và điều trị kịp thời.

Cảnh giác với bệnh hen phế quản trong mùa lạnh  - Ảnh 3.

Cần sử dụng thuốc cắt cơn hen khi có cơn hen.

6. Bệnh hen phế quản cần được kiểm soát và điều trị dự phòng tốt

Bệnh hen phế quản có thể được kiểm soát tốt nếu được điều trị đúng cách, theo dõi chặt chẽ, dùng thuốc dự phòng điều đặn và tái khám định kỳ để đánh giá tình trạng bệnh. Do đó, người bệnh cần đi khám chuyên khoa và phải tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

Khi biết mình bị hen phế quản, bệnh nhân cần hết sức thận trọng vì cơn hen có thể xuất hiện đột ngột bất cứ lúc nào, đặc biệt khi tiếp xúc với các dị nguyên như: Phấn hoa; lông hoặc chất thải chó, mèo; khói thuốc lá, khói thuốc lào, khói bếp than; bụi nhà, gián; thuốc xịt, nước hoa có mùi hắc; nấm mốc; thức ăn lạ (hải sản...); thuốc (aspirin)…

Phụ nữ mang thai bị hen phế quản cần kiểm soát điều trị tốt để ngăn chặn những cơn thiếu oxy cho mẹ giúp cung cấp oxy đầy đủ cho thai nhi. Điều trị tối ưu bệnh hen trong lúc mang thai bao gồm: kiểm soát chức năng hô hấp, tránh các yếu tố gây kích phát cơn hen, tư vấn cho người bệnh, điều trị bằng thuốc cho từng trường hợp để duy trì chức năng phổi bình thường.

Từ tháng thứ 7 của thai kỳ, phụ nữ có thai cần được theo dõi thường xuyên hơn ở cơ sở y tế vì thai lúc này đã to, nhu cầu oxy cũng tăng lên.

7. Dự phòng tái phát bệnh hen phế quản vào mùa lạnh

Do có liên quan chặt chẽ đến việc thay đổi thời tiết, môi trường sống nên những bệnh nhân hen phế quản luôn phải chú ý giữ gìn sức khỏe, nhất là vào mùa lạnh.

- Dự phòng các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cũng cần thiết ở người đã từng bị hen và việc này càng nên được chú ý vào mùa lạnh. Vì thời tiết lạnh dễ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp do nhiễm vi khuẩn, virus, cảm cúm... làm phế quản co thắt dẫn đến cơn hen cấp.

- Các hoạt động gắng sức quá mức cũng là yếu tố khởi phát cơn hen đối với một số người. Khi vận động mạnh, nhu cầu ôxy tăng khiến bệnh nhân phải thở nhanh, luồng khí ra vào phế quản nhanh và mạnh hơn, ít được làm ẩm và làm ấm hơn đã gây kích ứng các tiểu phế quản gây cơn hen. Do đó, bệnh nhân hen phế quản không nên lao động quá nặng, vận động quá sức. Nên làm việc phù hợp với tình trạng sức khỏe, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.

- Đối với những người có cơ địa dị ứng càng cần phải chú ý đến môi trường sống, nên tránh tiếp xúc với những chất dễ gây dị ứng như: phấn hoa, bụi bẩn, hóa chất, khói thuốc lá… Nếu môi trường làm việc thường xuyên phải tiếp xúc với chất gây dị ứng, tốt nhất nên chuyển đổi nghề nghiệp để bảo vệ sức khỏe.

- Ăn uống đảm bảo đủ dinh dưỡng, uống đủ nước. Thường xuyên luyện tập thể lực bằng các bài tập phù hợp với sức khỏe cũng là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh và ngăn ngừa bệnh tái phát.

Cảnh giác với bệnh hen phế quản trong mùa lạnh  - Ảnh 4.

Người bệnh hen phế quản cần khám định kỳ và điều trị dự phòng thật tốt.

Theo TS. BS Phạm Thị Bích Thủy - Bệnh viên Tai Mũi Họng Trung ương


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  4,604,302       5/886